Hệ luỵ khi tài khoản ngân hàng bị mua bán trái phép

 

Tài khoản ngân hàng của một người được quy định gắn thông tin, hoạt động giao dịch ngân hàng của chính người đó.Thế nhưng hiện nay trên mạng xã hội đang tiếp diễn tình trạng làm giả, mua, bán, cho thuê thông tin tài khoản ngân hàng, gây nhiều hệ lụy, nhất là khi các tài khoản kiểu này dùng làm phương tiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các hoạt động phi pháp.

Tình trạng mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội

Tìm kiếm trên Facebook cụm từ “tài khoản ngân hàng”, hàng loạt nhóm “Hội mua bán số tài khoản ngân hàng đẹp”, “Mở tài khoản ngân hàng online”, “A.T.M-Tài khoản ngân hàng”… hiện ra, nhóm nào cũng có vài nghìn đến hàng chục nghìn thành viên. Thông thường một người muốn mở tài khoản banking (tài khoản ngân hàng online) cần chụp và gửi online chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân hai mặt và có một số điện thoại để đăng nhập đăng ký dịch vụ banking.

Thế nhưng tham gia các nhóm này, không ít những quảng cáo nhận làm tài khoản banking ảo: “Khách chỉ cần gửi tên theo ý thích và số điện thoại nhận mã OTP”…

đăng bán tài khoản ngân hàng trọn bộMột tài khoản Facebook đăng bán tài khoản trọn bộ (thẻ cứng, banking, sim OTP).

Tài khoản Facebook Phạm Văn Luận, một thành viên của nhóm kín “A.T.M-Tài khoản ngân hàng” với 14.700 thành viên, cho biết: “Chỉ cần gửi cho tôi một cái tên hoặc gửi thông tin của bất kỳ ai đó và một số điện thoại, 30 phút sau tôi làm xong sẽ chụp gửi tài khoản và bạn chuyển tiền thì tôi gửi mật khẩu để sử dụng”. Luận khoe, để làm được tài khoản banking ảo như thế, Luận có một loạt ảnh chụp chứng minh thư nhân dân hai mặt sao chép, thu mua được trên mạng cùng kỹ năng photoshop chứng minh thư nhân dân.

Ngoài nhận làm tài khoản banking ảo, nhiều thành viên trên nhóm còn bán các tài khoản trọn bộ gồm: Thẻ cứng, banking và sim OTP, giá khoảng 1,5 triệu đồng/bộ.

Theo thành viên Lê Văn Phong của nhóm “A.T.M-Tài khoản ngân hàng”, các thông tin trên thẻ này là thật, theo tên của những người được Phong thuê đến quầy giao dịch của các ngân hàng để mở, còn sim điện thoại do Phong cung cấp, mật khẩu thì người mở sẽ dán lên thẻ sim đưa lại cho Phong. Mỗi tài khoản như vậy, Phong trả cho cá nhân khoảng 400.000 đồng. Ngoài ra, Phong còn đăng tin lên nhóm tuyển cộng tác viên tìm người mở tài khoản tại quầy và thu mua không giới hạn.

Bộ Công an đã khuyến cáo người dân về thủ đoạn sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ để lừa đảo

Mới đây, Bộ Công an đã khuyến cáo người dân về thủ đoạn sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ để làm địa chỉ nhận tiền lừa đảo. Các thủ đoạn này có biểu hiện ngày càng gia tăng. Nguyễn Hoàng Lân (Hà Nội) mua tài khoản banking ảo trên mạng và lập tài khoản Facebook bán chim cảnh, mỗi con có giá khoảng vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Do sim được sử dụng đăng ký với ngân hàng là sim rác nên khi có người mua chuyển tiền mua chim Lân không giao chim và vứt bỏ luôn sim để xóa dấu tích.

Ngày 17-3 vừa qua, Hoàng Thị Thảo (Lạng Sơn), 37 tuổi, bị tuyên phạt 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thảo tìm người mở tài khoản ngân hàng tại quầy để người đàn ông Trung Quốc không rõ lai lịch dùng tài khoản đó nhận tiền chuyển vào. Chủ tài khoản sẽ được trả 500.000 đồng tiền mở tài khoản và được nhận thêm 1 triệu đồng cho 100 triệu đồng chuyển về tài khoản.

Mỗi lần Thảo đi rút tiền cho người đàn ông Trung Quốc sẽ được nhận 400.000 đồng và cứ mỗi 100 triệu đồng khi đi đổi sang nhân dân tệ được thêm 600.000 đồng. Tính đến ngày bị bắt, Thảo đã sử dụng 3 tài khoản cá nhân của người khác để nhận và chiếm đoạt của 11 bị hại số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.

Theo Trung tá Đào Minh Ngọc, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội): “Khi sự việc xảy ra, xác minh đến cuối, các tài khoản ngân hàng này thường thuê hoặc mua lại của những người không hiểu biết hoặc sinh viên cần tiền. Những người này không biết tài khoản của mình được dùng vào việc gì vì không nhận được tin nhắn biến động số dư. Mỗi tài khoản giao cho các đối tượng chỉ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nhưng hệ lụy rất lớn và khó khăn cho cơ quan điều tra”.

Ngoài việc làm địa chỉ nhận tiền lừa đảo, các đối tượng còn sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ để nhận giải ngân tiền vay qua ứng dụng sau đó chiếm đoạt tiền.

Các đối tượng biết rõ nhiều ứng dụng cho vay trực tuyến hiện nay thường bỏ qua khâu xác thực thông tin khách hàng cung cấp; quy trình vay được thực hiện online, nhanh, gọn, giải ngân chậm nhất là một ngày nên dùng tài khoản ngân hàng không chính chủ, thậm chí nhiều tài khoản cùng lúc để vay về một khoản tiền lớn. Khi tiền về thì chuyển tiền từ tài khoản đó sang tài khoản của mình để rút.

Đến hạn trả, phía ứng dụng sẽ liên hệ người đứng tên tài khoản, căn cước công dân để đòi nợ. Lê Thảo (Hà Nội) là một nạn nhân bị ứng dụng nhắn tin đòi tiền dù không hề vay. Nghi thông tin cá nhân bị trộm và bị lợi dụng để vay tiền qua ứng dụng, Thảo lên mạng cầu cứu và chia sẻ: “Phía app cung cấp thông tin về người vay đúng là tôi nhưng bằng cách nào đó tài khoản của tôi không nhận được đồng nào…”. Thế nhưng đến nay, Thảo vẫn bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ và không chỉ đòi Thảo, người thân của Thảo cũng bị làm phiền, đe dọa.

Pháp luật quy định xử phạt hành vi mua bán thông tin tài khoản ngân hàng như thế nào?

Luật sư Đỗ Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hợp danh Sự thật cho biết: “Nghị định số 143/2021/NĐ-CP và Nghị định số 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định, phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng đối với việc thuê, cho thuê, mua, bán thẻ hoặc thông tin thẻ, mở hộ thẻ với số lượng từ 1 thẻ đến dưới 10 thẻ. Mức phạt tiền sẽ tăng lên từ 50 đến 100 triệu đồng khi số lượng thẻ từ 10 thẻ trở lên.

Ngoài ra nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng theo Điều 291 Bộ luật Hình sự hiện hành, mức phạt tiền cao nhất là 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm”.

Cũng theo luật sư Đỗ Viết Hải, người dân cần bảo vệ thông tin cá nhân của mình và không được sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ hoặc bán tài khoản ngân hàng cho người khác, bởi đó là hành vi tiếp tay cho tội phạm. Với những người đã mở tài khoản ngân hàng để bán hoặc cho người khác dùng, cần mang giấy tờ cá nhân đến ngân hàng làm thủ tục đóng tài khoản nhằm bảo vệ mình và ngăn chặn các đối tượng sử dụng tài khoản làm phương tiện phạm tội.

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi