Lưu ý khi tiêm vắc xin Covid-19 cho người cao tuổi, người có bệnh nền (số cuối)

 

Các chuyên gia khuyến cáo với người lớn tuổi, người mắc bệnh nền không nên có tâm lý chần chừ, kén chọn hay từ chối tiêm chủng vắc xin Covid-19. Chỉ có chủng ngừa Covid-19 sớm mới giúp bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng người lớn tuổi, người bệnh nền.

Hãy cùng chúng tôi ghi nhớ những lưu ý quan trọng được các chuyên gia giải đáp dưới đây để người lớn tuổi và người có bệnh nền có sức khỏe toàn diện, hạnh phúc, an lành trong mùa dịch.

tiêm vắc xin covid-19

Mục Lục

Người bệnh 59 tuổi, đang uống thuốc điều trị các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, lao hạch. Hiện bệnh tiểu đường, tăng huyết áp ở ngưỡng ổn định, tuy nhiên uống thuốc điều trị lao hạch thì có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn và men gan tăng do tác dụng phụ của thuốc. Nếu tiêm vắc xin Covid-19 có an toàn hay không? Nên tiêm vắc xin nào và ở đâu?

PGS.TS.BS Trần Quang Bính – Giám đốc chuyên môn, BVĐK Tâm Anh TP.HCM giải đáp:

Đây là một câu hỏi rất thực tế. Khi trả lời câu hỏi này, có 3 vấn đề:

Đầu tiên, huyết áp và tiểu đường là 2 bệnh mãn tính và đòi hỏi phải được điều trị lâu dài. Còn bệnh lao hạch là bệnh nhiễm có thể điều trị trong một khoảng thời gian nhất định. Đối với bệnh tiểu đường, huyết áp bắt buộc phải uống thuốc, điều này đòi hỏi bản thân phải kiểm soát tốt tình trạng, nếu không sẽ gây những biến chứng.

Trong khi đó, tiểu đường cần phải kiểm soát lượng đường huyết, chế độ ăn và thuốc uống đều đặn, vì nếu không kiểm soát tốt tiểu đường thì bệnh lao không thể nào điều trị ổn định được.

Ở trường hợp phải điều trị 3 bệnh cùng 1 lúc, trong đó, điều trị lao cần phối hợp nhiều loại thuốc, ít nhất phải 4 thuốc, như vậy, tác hại của thuốc ảnh hưởng đến tình trạng gan, sau đó có thể ảnh hưởng đến chức năng thận, nếu men gan tăng ở ngưỡng cao, gấp 2-3 lần đối với giá trị bình thường, thì tạm thời trì hoãn không thể tiêm vắc xin Covid-19 trong giai đoạn này và chờ điều trị đến lúc men gan ổn định, rồi mới tiếp tục uống thuốc lao và tiêm vắc xin Covid-19 được.

Tuy nhiên, cần phải đặt ra đánh giá những nguy cơ nào trước mắt, nguy cơ của lao hạch tiềm tần và nguy hiểm ở những vùng vì chúng ta biết rằng hạch vẫn cứ âm thầm và tiến triển, bắt buộc điều trị lao vẫn phải dùng thuốc nhưng mà nếu men gan tăng quá cao thì nên tạm thời ngưng sử dụng 1 số thuốc lao đang dùng để điều trị tình trạng gan ổn định, còn không sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng vì những tổn thương gan cấp quá nặng nề.

Ở thời điểm dịch Covid-19 đang lan rộng, yếu tố nguy cơ dễ nhiễm Covid-19 vẫn là đều rất dễ xảy ra đối với mẹ bạn. Do vậy, mẹ bạn cần cố gắng hạn chế nguy cơ tiếp xúc đối với môi trường bên ngoài để tránh lây nhiễm bằng tuân thủ thông điệp 5K, rửa tay, khẩu trang, sát khuẩn,… tránh xa những nguồn mà chúng ta nghi ngờ lây nhiễm.

Còn vấn đề tiêm vắc xin Covid-19, theo tôi nên trì hoãn để tình trạng gan ổn định thì chúng ta nên tiêm. Nên đến bệnh viện để tiêm và theo dõi các phản ứng sau tiêm chu đáo.

Người bị tắc tĩnh mạch, người bị đột quỵ, người bị cục máu đông,… có nên tiêm vắc xin phòng Covid-19 hay không?

BS Trương Hữu Khanh – Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP.HCM giải đáp:

Những người bị cục máu đông và nguy cơ cục máu đông sẽ có khả năng 15-20% xuất hiện cục máu đông khi mắc Covid-19. Do đó nếu đang có cục máu đông thì càng nên tiêm ngừa, vì nguy cơ làm Covid-19 nặng hơn chỉ có 2 trường hợp.

Một là virus tấn công vào phổi qua phản ứng viêm hoặc bệnh nặng khiến cơ thể không chịu nổi, hai là có phản ứng gây tắc mạch do có nhiều cục máu đông. Nên khi có nguy cơ bị cục máu đông thì càng phải đi tiêm ngừa, vì khi mắc Covid-19 tỷ lệ tạo ra cục máu đông cao rất nhiều hơn so với khi tiêm ngừa vắc xin.

Nếu có điều kiện bạn có thể chọn vắc xin Covid-19 của Pfizer hay Moderna thì tỷ lệ cục máu đông sẽ thấp hơn. Cục máu đông khi tiêm ngừa là một triệu chứng mà chúng ta rất dễ phát hiện sớm, chứ không phải xuất hiện ngay lập tức, nhưng nếu do Covid-19 thì đúng là sẽ có những cục máu đông bất ngờ. Nên hãy cố gắng tạo điều kiện cho những người này đi tiêm ngừa càng sớm càng tốt.

Bị zona thần kinh, bị rối loạn tiền đình thì có nên tiêm vắc xin Covid-19 không?

BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC

Zona thần kinh chỉ là hậu quả của thủy đậu, khi nào cơ thể mỗi người suy giảm miễn dịch thì zona thần kinh sẽ phát triển. Bên cạnh đó, những người lớn tuổi cũng thường hay có các biểu hiện của rối loạn tiền đình. Bạn nên kiểm tra về bệnh lý về rối loạn tiền đình trước. Các bác sĩ luôn luôn mong mỏi cộng đồng hãy đi tiêm ngừa càng sớm càng tốt để trách được dịch bệnh nguy hiểm cho tất cả mọi người.

Có thông tin rằng, nếu như chưa có cơ hội tiêm vắc xin Covid-19 thì có thể tiêm những loại vắc xin khác như: cúm, phế cầu khuẩn, sởi,… để có miễn dịch chéo phòng Covid-19 phần nào đó. Thậm chí, sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19, vẫn nên tiêm các vắc xin khác để được tăng khả năng bảo vệ với Covid-19. Thông tin này có đúng không và người lớn có cần tiêm những loại này không?

BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC giải đáp:

Hiện nay đối với những bệnh có lây truyền qua đường hô hấp thì khi một người bị nhiễm bệnh, ví dụ như bệnh cúm, viêm phổi do phế cầu khuẩn mà trên những người lớn tuổi đã được tiêm phòng cúm thì sẽ giảm đi nguy cơ nhập viện, tử vong cho người lớn tuổi.

Thứ hai, những bệnh có vắc xin như là cúm, phế cầu thì các loại vi khuẩn như phế cầu khuẩn có tới hàng trăm loại khác nhau, và loại vi khuẩn này thường trú ở vùng hầu họng. Các loại virus như SARS-CoV-2, phế cầu, cúm, ho gà thì những bệnh đó đều lây nhiễm qua đường hô hấp, khi phòng được 1 bệnh thì vẫn có khả năng mắc bệnh khác.

Chính vì vậy, trong giai đoạn như hiện nay nếu chưa có điều kiện tiêm vắc xin Covid-19 thì có thể tiêm các loại vắc xin lây truyền qua đường hô hấp như là phế cầu, cúm, ho gà.

Trong trường hợp người lớn chưa từng mắc bệnh thì cũng có thể tiêm được. Ví dụ như tình trạng viêm gan siêu vi B, nếu mắc bệnh có nguy cơ mang suốt đời vì đây là bệnh mãn tính kéo dài. Nếu chưa tiếp cận được vắc xin Covid-19 thì mỗi người hãy tiếp cận trước những vắc xin phòng bệnh. Hiện nay, vấn đề an toàn và khả năng bảo vệ của vắc xin đã được bảo vệ và chứng minh và có rất nhiều quốc gia trên toàn thế giới đã thực hiện việc tiêm chủng đó.

Thực tế do Covid-19 là bệnh mới, ai cũng phải quan tâm đến nó mà quên mất những bệnh đã từng “đại dịch” trong quá khứ. Hằng năm cũng có nhiều trường hợp tử vong vì cúm, vì bệnh phế cầu xâm lấn nhưng không phải là đại dịch nên thành ra chúng ta nghĩ rằng các bệnh này không quan trọng, nhưng sự thật là rất quan trọng.

Mỗi vắc xin hiện nay đều là lá chắn để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, tránh những trường hợp trùng lặp 1 lúc mà chúng ta nhiễm nhiều bệnh gây nguy hiểm hơn. Rất mong là mỗi người hãy hiểu và tự bảo vệ mình bằng cách tiêm phòng bệnh khi chúng ta tiếp cận được những nguồn vắc xin đang có.

Người bị dị ứng hoặc có tiền sử sốc phản vệ với paracetamol, ibuprofen ở dạng nước hoặc dạng viên có được tiêm vắc xin Covid-19 không? Ngoài ra, người từng bị sốc phản vệ độ 3 khi tiêm ciprofloxacin khi mổ túi mật, còn bị dị ứng với hải sản và bia rượu,… thì có được tiêm vắc xin Covid-19 không?

BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC giải đáp:

Hiện nay theo quyết định 3802 của Bộ Y Tế, nếu phản vệ độ 2 với 1 loại vắc xin đã từng tiêm trước đó hoặc là những thành phần trong vắc xin thì sẽ không tiêm loại vắc xin đó.

Lúc trước chúng ta chỉ có 1 loại vắc xin của AstraZeneca, hiện giờ thì đã có thêm những loại vắc xin khác. Vì vậy, nếu người được tiêm phản vệ độ 2 với vắc xin của AstraZeneca thì vẫn có thể tiêm vắc xin của Pfizer, hoặc sốc phản vệ độ 2 của Pfizer thì có thể tiêm được của Astrazeneca.

Lúc mới ban đầu vắc xin về Việt Nam thì chúng ta cũng rất là thận trọng, trường hợp dị ứng nào cũng hoãn tiêm, nhưng trải qua 1 quá trình sử dụng vắc xin thì người ta thấy rằng: những trường hợp dị ứng mà không liên quan đến thành phần của vắc xin thì vẫn tiêm được bình thường. Vì vậy, nếu không phải phản vệ độ 2 thì được tiêm cùng loại vắc xin, còn phản vệ độ 3 thì nên tiêm tại bệnh viện.

Quay lại trường hợp, sốc phản vệ độ 3 đối với kháng sinh thì tốt nhất nên tiêm tại bệnh viện. Hiện tại, BVĐK Tâm Anh đã triển khai tiêm chủng cho cả đối tượng dị ứng, ngoại trừ dị ứng các thành phần có trong vắc xin. Bạn có thể liên hệ với bệnh viện để được hỗ trợ đăng ký tiêm.

Nên chờ vắc xin Moderna để tiêm mũi 2 hay là đồng ý tiêm trộn vắc xin Pfizer hay là AstraZeneca?

BS Trương Hữu Khanh – Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP.HCM nhấn mạnh:

Với tình hình hiện giờ thì tiêm được 1 mũi vắc xin Covid-19, nhưng hoàn thành đủ 2 mũi thì càng an toàn hơn, đặc biệt là những người lớn tuổi và những người có bệnh nền. Ở trên thế giới đã tiêm trộn rồi, Việt Nam cũng đã cho phép tiêm trộn.

Hiện tại, TPHCM cũng đã có hướng dẫn tiêm trộn giữa Mordena và Pfizer, chúng ta không nên lăn tăn về việc tiêm trộn. Nếu chưa xác định được Moderna bao giờ về thì tốt nhất là nên đi tiêm đủ 2 mũi. Bởi vì chúng ta sẽ không đoán được dịch bệnh khi nào tấn công mình và gia đình mình. Đặc biệt những người trẻ trong gia đình hãy giúp người lớn an tâm đi tiêm chủng vì những người lớn là những đối tượng có nguy cơ cao.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.

Exit mobile version