Lưu ý khi tiêm vắc xin Covid-19 cho người cao tuổi, người có bệnh nền (số thứ 2)

 

Các chuyên gia khuyến cáo với người lớn tuổi, người mắc bệnh nền không nên có tâm lý chần chừ, kén chọn hay từ chối tiêm chủng vắc xin Covid-19. Chỉ có chủng ngừa Covid-19 sớm mới giúp bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng người lớn tuổi, người bệnh nền.

Hãy cùng chúng tôi ghi nhớ những lưu ý quan trọng được các chuyên gia giải đáp dưới đây để người lớn tuổi và người có bệnh nền có sức khỏe toàn diện, hạnh phúc, an lành trong mùa dịch.

lưu ý khi tiêm vắc xin covid-19

Tại sao xuất hiện tình trạng tăng huyết áp tại điểm tiêm chủng? Cần làm gì để được tiêm?

BS Trương Hữu Khanh – Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP.HCM giải đáp:

Thứ nhất, khi đi tiêm chủng, đặc biệt là người lớn tuổi nên theo dõi huyết áp. Phần lớn, mọi người đều ít theo dõi huyết áp. Việc theo dõi huyết áp tại nhà rất được khuyến khích, để có thể điều chỉnh sự cố cho phù hợp.

Thứ hai, đúng là có nhiều trường hợp ở nhà không cao huyết áp, nhưng ra điểm tiêm huyết áp lại tăng. Nguyên nhân do tâm lý người tiêm quá sợ, khiến mạch đập nhanh. Theo tôi, có thể người tiêm đo huyết áp tại nhà trước, nên đi đúng giờ chứ không nên đi quá sớm khiến lúc ngồi đợi sẽ cảm thấy hồi hộp.

Đặc biệt, không nhìn người tiêm trước, thay vào đó có thể xem phim hài, tới lượt mình thì mình tiêm. Bởi vì có rất nhiều người cứ hay quan sát những người tiêm khác sẽ khiến bản thân rất hồi hộp. Mình cứ thực hiện những điều đó, chắc chắn sẽ được tiêm.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, huyết áp từ 140mmHg không được tiêm ngừa thì hy vọng sớm sẽ có thay đổi. Theo tôi, 140 hay cao hơn vẫn không ảnh hưởng gì đến. Có một số điểm tiêm chủng thực hiện rất hợp lý, khi người tiêm bị cao huyết áp, các cán bộ y tế sẽ cho người tiêm uống thuốc và mời nghỉ ngơi ổn định mới chích. Cơ hội của người tiêm ngừa thật sự rất quan trọng.

Những biện pháp, lưu ý nào để tiêm vắc xin Covid-19 an toàn tại các điểm tiêm công cộng?

BS Trương Hữu Khanh – Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết:

Đúng là có những trường hợp đi tiêm ngừa hoặc lấy mẫu test bị lây Covid-19. Cho nên khi đi chích ngừa, nếu có điều kiện, chờ lúc vắng người rồi hãy đến tiêm, tại vì ra chờ nhưng chưa đến lượt có thể khiến huyết áp tăng, hoặc có thể bị lây nhiễm Covid-19 khi lỡ gặp người quen, sát lại nói chuyện và không chú ý đến bàn tay, miệng khi nói chuyện.

Hoặc khi gặp người quen, mở chai nước mời người quen uống, khi tháo khẩu trang, uống chung 1 ly nước có thể lây bệnh. Virus có thể lây qua khuôn mặt của mình.

Vì vậy, khi đi tiêm ngừa, uống nước xong xuôi rồi mang khẩu trang đầy đủ; Bất cứ thứ gì đụng vào tay phải rửa tay nhanh, do vậy, khi đi chích ngừa nhớ mang theo 1 chai nước rửa tay; Mang thêm nón che giọt bắn để khi đưa tay lên mặt hạn chế tiếp xúc. Nếu mỗi người thực hiện đúng, chích ngừa sớm và về nhà nhanh, không ghé chỗ này chỗ kia, gặp người quen thì xác suất bị lây khi đi tiêm ngừa gần như không có.

Phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 ở người lớn tuổi phổ biến và nguy hiểm không? Bà 72 tuổi, có bệnh nền cao huyết áp, hẹp động mạch và tiểu đường, bà sợ phản ứng sau tiêm vắc xin nên người nhà khuyên mãi vẫn chưa chịu tiêm.

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM nhấn mạnh:

Trong trường hợp này, tốt nhất bạn nên dẫn bà đến BVĐK Tâm Anh để được bác sĩ thăm khám và giải thích cho bà. Đối với phản ứng sau tiêm, có người không có phản ứng gì, có người thì sốt lạnh run, có người nhức mỏi, có người đau nhức khớp, đó là các phản ứng chung.

Tầm 30-40 năm trước, túc trẻ tôi chích ngừa thương hàn thì cũng sốt đến 2-3 ngày. Nhưng bây giờ có nhiều người đến khám và tiêm có hỏi bác sĩ là: “Bác sĩ ơi sao con chích thuốc Moderna không thấy phản ứng gì hết, thuốc là thuốc thật hay thuốc giả”.

Phản ứng sau tiêm là vấn đề bác sĩ không thể nào nói trước, người phản ứng thế này người kia lại có phản ứng khác, vậy nên tôi có chia sẻ với các bệnh nhân là nếu không sốt đến 38 độ thì cũng không cần uống thuốc làm gì, sốt thì chỉ lau mát thôi, nếu sốt nặng quá thì mới uống 1 viên Paracetamol thôi chứ không cần uống nhiều.

Sợ nhất những người uống 1 lần 3-4 viên, như đợt mới chích AstraZeneca có người lo sợ nên uống 1 viên ngừa Panadol trước, điều đó là không đúng.

Vậy nên đầu tiên cứ khuyên bà là tiêm trước, thứ hai nếu người nhà khuyên không nghe thì nên cho bà xem lại các thông tin chia sẻ của bác sĩ. Còn nếu bà thông nghe nữa thì nên đưa đến bệnh viện, các bác sĩ đích thân cắt nghĩa và giải thích cho bà hiểu. Bây giờ quan trọng nhất là vẫn nên cho bà đi tiêm ngừa càng sớm càng tốt.

Người bị chứng máu khó đông, giảm tiểu cầu thì có thể đăng ký tiêm chủng tại bệnh viện không hay vẫn trì hoãn tiêm chủng?

PGS.TS.BS Trần Quang Bính –  Giám đốc chuyên môn, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ:

Bệnh lý giảm tiểu cầu gây ra tình trạng dễ chảy máu hoặc xuất huyết. Về cơ bản, trước khi tiêm vắc xin, cần điều trị bệnh lý này đến giai đoạn ổn định, theo mô tả của bạn thì tôi nghĩ bạn đã và đang điều trị bệnh ổn định, như thế bạn vẫn có thể tiêm vắc xin Covid-19, và nên tiêm càng sớm thì càng tốt, kịp thời bảo vệ bản thân trước mầm bệnh.

Tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh, đặc biệt là BVĐK Tâm Anh TP.HCM, chúng tôi có tiếp nhận những trường hợp như bạn để có thể tiêm vắc xin và theo dõi phù hợp. Hiện tại có 2 loại vắc xin Covid-19 là AstraZeneca và Pfizer. Đối với trường hợp của bạn, thì vắc xin AstraZeneca có liên quan đến vấn đề đông máu và có lẽ sẽ không phù hợp với tình trạng của bạn trong giai đoạn hiện tại. Chúng tôi khuyên bạn nên tiêm vắc xin Covid-19 loại Pfizer.

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM giải đáp thêm.

Chiều hôm qua, chúng tôi cũng có gặp một trường hợp giống như của bạn, bệnh nhân bị giảm tiểu cầu. Nếu người bệnh đến, chúng tôi sẽ nhờ thử máu, đếm lại số tiểu cầu lúc đó. Trong tư liệu về chủng ngừa Covid-19 đã nói rõ, nếu tiểu cầu giảm dưới 20.000, chúng tôi sẽ không tiêm vắc xin Covid-19. Tiểu cầu bình thường sẽ từ 250.000 đến 400.000 tiểu cầu/1ml. Nếu tiểu cầu dưới 20.000, người bệnh cần tạm hoãn không tiêm.

Vấn đề ở đây không phải là tại tiểu cầu, nếu bệnh nhân bị tiểu cầu giảm, nguy cơ chỉ là chảy máu chỗ tiêm. Trong tài liệu có nói rõ, nếu tiểu cầu từ 20.000 – 50.000/1ml, thì khi tiêm xong người bệnh nhân sẽ được khuyên lấy tay ấn chỗ tiêm 5 phút để khỏi chảy máu, rồi sau đó băng lại, ngồi theo dõi sức khỏe sau tiêm và đi về. Do đó, bạn nên đến bệnh viện ngay và đương nhiên, bạn sẽ được các bác sĩ chăm sóc.

Sau khi tiêm vắc xin Astrazeneca dùng kháng sinh có ảnh hưởng gì không? Nếu không được dùng thì sau bao lâu có thể dùng được?

BS Trương Hữu Khanh – Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP.HCM

Chúng ta nên lưu ý rằng tất cả những người sau tiêm vắc xin Covid-19 kể cả F0 thì vẫn nên duy trì sử dụng các loại thuốc đang điều trị bệnh nền của mình. Tất cả các thuốc thông thường gần như đa số sẽ không gây ảnh hưởng gì đến việc tạo miễn dịch hay làm sai lệch mức độ miễn dịch nên cứ an tâm sử dụng.

Mời bạn đọc đón xem số tiếp theo để được giải đáp những lưu ý khi tiêm vắc xin Covid-19 cho người cao tuổi, người mắc bệnh nền.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.

Exit mobile version