Lưu ý khi tiêm vắc xin Covid-19 cho người cao tuổi, người có bệnh nền

 

Các chuyên gia khuyến cáo với người lớn tuổi, người mắc bệnh nền không nên có tâm lý chần chừ, kén chọn hay từ chối tiêm chủng vắc xin Covid-19. Chỉ có chủng ngừa Covid-19 sớm mới giúp bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng người lớn tuổi, người bệnh nền.

Hơn 80% trường hợp tử vong do COVID-19 xảy ra ở người trên 65 tuổi, thực tế cho thấy những người mắc các bệnh nền: đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh cơ xương khớp, bệnh gan, thận, ung thư, phổi tắc nghẽn mạn tính… có nguy cơ trở nặng bệnh khi không may nhiễm Covid-19. Chính vì vậy, họ thuộc nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin càng sớm càng tốt.

Các chuyên gia cũng lưu ý, trong lúc chờ đợi đến lượt tiêm vắc xin Covid-19, trẻ nhỏ và người lớn tuổi cần chủ động tiêm chủng các loại vắc xin cần thiết khác như: cúm, phế cầu khuẩn, ho gà,… để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, triệu chứng, biến chứng nặng, tử vong nếu “đồng nhiễm” Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác trong cùng một thời điểm.

Hãy cùng chúng tôi ghi nhớ những lưu ý quan trọng được các chuyên gia giải đáp dưới đây để người lớn tuổi và người có bệnh nền có sức khỏe toàn diện, hạnh phúc, an lành trong mùa dịch.

lưu ý khi tiêm vắc xin covid-19

Người mắc bệnh mãn tính đang ổn định hoặc đã điều trị ổn định cần lưu ý gì khi tiêm vắc xin Covid-19? Nên tiêm loại vắc xin nào?

BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC giải đáp:

Người có bệnh lý nền và người cao tuổi được gọi là đối tượng dễ bị tổn thương khi bị nhiễm Covid-19, người bình thường khi mắc bệnh, vẫn có khả năng bệnh nặng hay nhập viện, thậm chí là tử vong. Tuy nhiên, những người cao tuổi, mắc bệnh lý nền có hệ miễn dịch suy giảm theo tuổi, chưa kể việc điều trị bằng thuốc có khả năng khiến hệ miễn dịch suy yếu hơn sẽ tiềm ẩn biến chứng cao nếu mắc Covid-19.

Do đó, người già, có bệnh lý nền là đối tượng rất cần thiết tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Đối với những bệnh mãn tính đã điều trị ổn định, tại VNVC chúng tôi định nghĩa rằng việc điều trị ổn định trên 3 tháng sẽ được tiêm tại VNVC. Thứ hai, trong trường hợp những bệnh lý nền chưa ổn định, hiện nay tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh đã triển khai tiêm chủng cho người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền. Đây là điều thuận lợi, vì khi người có bệnh lý mãn tính sẽ cần bác sĩ chuyên khoa khẳng định lại tình trạng hiện tại đã ổn định hay chưa để tiêm ngừa.

Khi tiêm tại bệnh viện, người bệnh sẽ được theo dõi chặt chẽ về bệnh lý nền của mình. Trong trường hợp theo dõi phản ứng sau tiêm, dù là điểm tiêm ngoài bệnh viện hay điểm tiêm trong bệnh viện thì tất cả những phản ứng sau tiêm: từ phản ứng nghiêm trọng như phản vệ, thuyên tắc mạch, viêm cơ tim, viêm ngoài tim… tất cả các đối tượng sẽ được tư vấn và theo dõi như nhau, nên người bệnh hoàn toàn yên tâm về vấn đề này.

Hiện nay, các loại vắc xin Covid-19 như AstraZeneca, Pfizer,… đều cho hiệu quả như nhau trên những người được tiêm ngừa. Trong giai đoạn hiện nay, “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất” do đó, chúng ta không nên chờ đợi, vì trong thời điểm dịch bệnh tại TP.HCM có nhiều gia đình do sự lựa chọn chờ đợi, cứ nghĩ là vắc xin này tốt hơn vắc xin kia, đến khi hậu quả là nhiều người thân ra đi vì chờ đợi loại vắc xin mình mong muốn.

Trên những nghiên cứu về tính an toàn, hiệu quả của các vắc xin đều đã được các Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận và được sử dụng trong giai đoạn khẩn cấp.

Tiêm mũi 1 Moderna, mũi 2 có thể tiêm loại của Pfizer và Moderna không?

BS Trương Hữu Khanh – Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP.HCM:

Hiện nay, TP.HCM và các tỉnh đang “cạn” nguồn cung vắc xin Moderna, do đó tốt nhất nên tiêm vắc xin Pfizer. Tối 8/9/2021, Bộ Y tế cho phép người tiêm mũi 1 bằng vắc xin Moderna có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin Pfizer và ngược lại, trong trường hợp thiếu nguồn cung.

Thứ nhất, nhiều nước đã áp dụng tiêm trộn các mũi vắc xin Moderna với Pfizer, đến nay không ghi nhận biến cố bất lợi nghiêm trọng nào sau tiêm trộn 2 vắc xin trong cùng một liệu trình.

Thứ hai, vắc xin Moderna và Pfizer có cùng công nghệ là mRNA thông tin.

Thứ ba, ở những nước tiên tiến cũng thường xảy ra việc trộn, ví dụ trong trường hợp một người bình thường đến tiêm mũi 2 được bác sĩ tiêm hỏi lúc trước tiêm mũi gì nhưng không nhớ, chỉ nhớ được tôi tiêm mRNA thông tin, thì bác sĩ sẽ tiêm Pfizer hoặc Moderna.

Chứng tỏ rằng nếu người tiêm không nhớ đã tiêm Pfizer hay Moderna thì bác sĩ vẫn tiếp tục tiêm vắc xin cùng công nghệ, nên không cần suy nghĩ đến việc trộn Pfizer với Moderna có vấn đề gì không. Do vậy, mọi người hãy giữ lấy cơ hội này để tiêm, tuy rằng có một số nơi còn chần chừ nhưng tôi tin rằng những nơi đó cũng sẽ chọn tiêm vì hiện nay Pfizer còn nhiều trong khi Moderna chưa về thêm.

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ thêm:

Tôi nghĩ nếu trong trường hợp không có vắc xin Pfizer, mũi đầu tiêm Moderna thì mũi thứ 2 vẫn có thể tiêm AstraZeneca. Minh chứng là có một số nước đã cho phép, ví dụ như Cộng hòa Ireland đã cho phép tiêm mũi 2 bằng vắc xin khác. Nếu hỏi tôi rằng bây giờ nếu không có vắc xin nào khác, mũi 2 bắt buộc phải tiêm Vero Cell thì sao?

Tôi nghĩ tôi vẫn tiêm, sau này nếu có vắc xin sẽ trở lại tiêm thêm một mũi thứ 3, nếu không có thì khả năng bảo vệ không đủ. Cơ chế thuốc sản xuất hơi khác nhau, nhưng khi chúng ta tiêm cơ thể vẫn sẽ tạo ra kháng thể, dù đó là spike virus hay mRNA. Dĩ nhiên lý tưởng là chúng ta tiêm cùng một loại trước, nếu không có thì tiêm cùng một cơ chế mRNA, nếu không có nữa thì vẫn nên tiêm AstraZeneca hoặc vắc xin khác.

Từ chối tiêm vắc xin Covid-19 vì chờ loại mà mình mong muốn, vì cho rằng cứ ở trong nhà thì sẽ không mắc Covid-19, quan điểm này đúng hay sai?

BS Trương Hữu Khanh – Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP.HCM khẳng định:

Nếu không tiêm vắc xin sớm mà cứ chờ đợi là rất nguy hiểm. Có hai đối tượng hiện nay tưởng chừng như an toàn, ít bị nhiễm bệnh là: người lớn tuổi, phụ nữ mang thai vì hầu như ít ra khỏi nhà. Tuy nhiên hãy nhớ rằng, mình không đi ra ngoài nhưng những thành viên sẽ đi và có thể mang mầm bệnh về nhà, đặc biệt phụ nữ mang thai cũng phải đi bệnh viện để khám thai định kỳ, nguy cơ nhiễm bệnh vẫn có.

Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp tương tự, lúc nhiễm bệnh ân hận đã muộn màng. Chúng ta vẫn hay chủ quan rằng người thân mình đã tiêm vắc xin rồi thì không sao, tuy nhiên đối những người được tiêm chủng khi bệnh rất khó nhận biết và thường sẽ lơ là hơn nên dễ mắc bệnh mà không hề hay biết sau đó lây ngược cho những người khác.

Cho nên với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay nên đi ngay khi có cơ hội, vì xung quanh chúng ta không biết được ai đang là F0, cũng có thể là người ở ngay cạnh mình.

Không tiêm kịp mũi 2 vắc xin Covid-19 theo khuyến cáo, vắc xin có bị mất tác dụng không?

BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC chia sẻ:

Đối với vắc xin, người ta chỉ quan tâm đến khoảng cách tối thiểu tức không nên tiêm sớm hơn khoảng cách quy định (ví dụ như khi tiêm vắc xin AstraZeneca thì khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi là 4-12 tuần). Đối với trường hợp của người tiêm có thể tiêm sau 4 tuần không sao cả, riêng vắc xin AstraZeneca thì khoảng cách 2 mũi càng xa thì tính sinh miễn dịch càng cao.

Cho nên người được tiêm hoàn toàn an tâm rằng có thể tiêm vắc xin mũi 2 muộn một chút cũng được, tiếp cận được loại vắc xin nào tiêm sớm ngay vắc xin đó, quan trọng là hoàn thành đủ mũi để vắc xin có hiệu quả bảo vệ cao nhất giảm tối thiểu tình trạng bệnh nặng, tử vong do Covid-19.

Người bệnh có tiền sử huyết khối tĩnh mạch nội soi sau sinh đã ngưng thuốc 1 năm nay thì có thể tiêm vắc xin Covid-19 được không?

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ:

Thứ nhất, trường hợp bạn điều trị huyết khối tĩnh mạch nội soi mà kết quả tốt chúng tôi rất mừng cho bạn. Thứ hai, chúng tôi nghĩ bạn vẫn có thể tiêm vắc xin Covid-19 nhưng nên tiêm loại của Moderna/Pfizer cho người bệnh. Mặc dù chúng ta biết vắc xin AstraZeneca rất tốt, nhưng có từ 10-20/1.000.000 có thể gây hội chứng huyết khối, tĩnh mạch, não. Do vậy, với trường hợp này, bạn nên xin tiêm ngừa loại vắc xin Moderna/Pfizer.

Mời bạn đọc đón xem số tiếp theo để được giải đáp những lưu ý khi tiêm vắc xin Covid-19 cho người cao tuổi, người mắc bệnh nền.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.

Exit mobile version