Nghịch lý nhà ở xã hội: Nơi trầy trật bán, chỗ mua phải thêm cả trăm triệu

 

Tại Bắc Ninh, Bắc Giang, nhiều chủ đầu tư nhà ở xã hội tung đủ chiêu trò để tăng giá bán nhà ở xã hội cao hơn so với giá phê duyệt của Sở Xây dựng, khiến người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp ngày càng khó tiếp cận được loại hình nhà ở này.

Dự án nhà ở xã hội Evergreen

Dự án Nhà ở xã hội Evergreen Bắc Giang mới khởi công nhưng theo quảng cáo của các sàn phân phối đã bán hết gần 2 toà, hơn 800 căn hộ cho các nhà đầu tư, không đúng đối tượng được mua nhà ở xã hội.

Chiêu đẩy giá nhà ở xã hội tại Bắc Ninh, Bắc Giang

Bắc Ninh, Bắc Giang là 2 địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp lớn của miền Bắc, cùng với đó là lực lượng hàng trăm nghìn công nhân lao động (Bắc Ninh khoảng hơn 400.000 công nhân, Bắc Giang là khoảng 240.000 công nhân). Vì vậy, nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân lao động ở 2 tỉnh này thuộc nhóm lớn nhất cả nước.

Tại Bắc Ninh, hiện đã thu hút được 47 dự án nhà ở xã hội với quy mô 155,256ha, trong đó có 13 dự án đã có công trình đưa vào sử dụng. Tại Bắc Giang, tính đến tháng 12.2021 đã thu hút được 9 dự án nhà ở xã hội cho công nhân quanh các khu công nghiệp với tổng diện tích sàn khoảng 1,1 triệu mét vuông, 14.000 căn hộ, dự kiến đến năm 2023 các dự án sẽ hoàn thành.

Tuy vậy theo khảo sát, tại nhiều dự án nhà ở xã hội tại Bắc Ninh, Bắc Giang việc mua bán, quản lý đang không được thực hiện đúng Chính sách về Nhà ở xã hội khiến khách hàng là người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp phải mua giá cao so với giá phê duyệt của Sở Xây dựng.

Như tại dự án Evergreen Bắc Giang (thị trấn Nếnh, Việt Yên, Bắc Giang, một trong những dự án nhà ở xã hội lớn nhất tại Bắc Giang do liên danh Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển bền vững Evergreen Bắc Giang làm chủ đầu tư. Dự án khởi công cuối tháng 10.2021, dự kiến bàn giao quý II/2023.

Dự án này được chủ đầu tư phân phối qua 5 sàn giao dịch bất động sản gồm: Tâm Thành Land, Iland, Phú Thịnh Land… Trong nhiều ngày cuối tháng 2, khi chúng tôi tới các quầy bán hàng của các sàn giao dịch này đặt ngay tại dự án thì được các nhân viên của các sàn giao dịch này mời chào đầu tư kiếm lời tại dự án này.

“Hiện dự án đã đổ móng và làm tầng hầm nhưng khách đầu tư đã mua hết 2 toà G1, G2 (mỗi toà 20 tầng, mỗi tầng 22 căn), nếu anh đầu tư vào bây giờ chỉ còn căn ở toà G3” – một nữ nhân viên cho biết.

Chúng tôi thắc mắc, nếu là khách đầu tư thì không thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội, vậy làm sao có thể đứng tên giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ thì các nhân viên trấn an: “Anh khỏi lo, khách mua đến thời điểm này toàn là khách đầu tư, công nhân mua chỉ đếm trên đầu ngón tay, có khách ở Hà Nội về còn “ôm” nguyên cả 1 tầng (22 căn – PV).

Sau này, các nhà đầu tư sẽ bán lại cho đúng đối tượng được quyền mua nhà ở xã hội để ăn chênh lệch. Dự án này chắc chắn sẽ còn tăng giá cao hơn nữa. Nếu anh không muốn bán mà chuyển về ở, đứng tên sổ hồng thì vẫn có cách”.

Các nhân viên này còn mở cho chúng tôi xem nhiều văn bản thoả thuận góp vốn vào dự án Evergreen giữa nhà đầu tư và một đơn vị được cho là công ty con của chủ đầu tư có tên Công ty CP đầu tư bất động sản Everland.

Tại Bắc Ninh, một loạt dự án nhà ở xã hội có giá bán thực tế cao hơn từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/căn hộ so với giá phê duyệt của Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh.

Như tại dự án ở xã hội Môi trường xanh (phường Đồng Nguyên, TP.Từ Sơn), chủ đầu tư là Công ty TNHH Môi trường xanh; dự án nhà ở xã hội Cao Nguyên 3 (phường Tân Hồng, TP.Từ Sơn) do Công ty TNHH Cao Nguyên làm chủ đầu tư, dự án nhà ở xã hội Dabaco Khắc Niệm (phường Khắc Niệm, TP.Bắc Ninh) do tập đoàn Dabaco Việt Nam đầu tư.

Phần vượt quá giá phê duyệt đó được chủ đầu tư gọi là “tiền chênh” và không được đưa vào hợp đồng mua bán.

Phóng viên đã liên hệ với Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh và ở Xây dựng tỉnh Bắc Giang về vấn đề trên nhưng hiện chưa nhận được phản hồi.

Dấu hiệu trốn thuế, trục lợi

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) phân tích, chủ đầu tư nhà ở xã hội được rất nhiều ưu đãi như không phải đóng tiền sử dụng đất, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác liên quan, được phép dành 20% diện tích xây dựng nhà ở xã hội để kinh doanh làm nhà ở thương mại…

Mức giá bán mà Sở Xây dựng thẩm định cho các dự án nhà ở xã hội cũng đã được tính toán trên dữ liệu đầu vào cộng với lợi nhuận cho phép là 10%. Vì vậy, việc chủ đầu tư bán cao hơn giá Sở Xây dựng phê duyệt có dấu hiệu trục lợi chính sách nhân văn về nhà ở xã hội.

Về việc chủ đầu tư nhà ở xã hội huy động vốn đối với các nhà đầu tư thứ cấp, không thuộc đối tượng được hưởng chính sách mua nhà ở nhà xã hội (thông qua các văn bản thoả thuận, góp vốn) ông Lê Hoàng Châu cho rằng, không đúng quy định của pháp luật.

“Luật quy định chỉ các đối tượng được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội thì mới được góp vốn mua nhà ở xã hội hình thành trong tương lai. Đồng thời, chủ đầu tư chỉ được huy động vốn khi đã xây xong phần móng và đã được Sở Xây dựng xác nhận người mua thuộc đúng đối tượng được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội” – ông Châu khẳng định.

Đồng quan điểm, Luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội huy động vốn từ các nhà đầu tư thứ cấp, không đúng đối tượng mua nhà ở xã hội thì sẽ đẩy giá bán lên cao.

“Sau này, công nhân khu công nghiệp, người thu nhập thấp chỉ có thể mua lại nhà ở xã hội từ các nhà đầu tư này thì chắc chắn giá sẽ chênh lên cao hơn so với giá đã được phê duyệt. Phần tiền chênh đó cũng được đưa ra ngoài hợp đồng mua bán để hợp thức hoá vi phạm về Chính sách Nhà ở xã hội” – luật sư Thái nói.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.

Exit mobile version