Người già thảnh thơi tuổi xế chiều

 

Ở tuổi ba mươi, tôi thấy bác ruột đã ngoài tám mươi vẫn cặm cụi trồng rau, nuôi gà.

Tôi thầm hỏi tại sao những đứa con khá giả ở thành phố lại có thể để người già như mẹ mình sống một mình cô độc và vất vả như vậy. Sau tôi mới vỡ lẽ, ở với con cháu bác luôn cảm thấy mình thừa thãi. Khi về sống trong ngồi nhà của mình, với vườn rau và đàn gà, với những người hàng xóm quen thuộc bác mới thấy vui. Nhìn ra xung quanh, tôi thấy cuộc sống của người già thật đơn điệu, buồn tẻ.

Ở nhiều vùng quê, những người nông dân cao tuổi không còn sức lao động phải sống dựa vào chút tiền tiết kiệm ít ỏi hoặc do các con cho hỗ trợ. Vài nải chuối già gầy guộc, mấy buồng cau cỗi, vài mớ rau… cũng trở thành thứ quý giá có thể đem đổi lấy mắm muối.

Đời sống vật chất thiếu thốn, ốm đau đi viện phải nhờ cậy con cháu. Không ít cụ già bị con cháu bỏ rơi hoặc tuy thương cha mẹ nhưng quá nghèo không thể phụng dưỡng. Tình cảnh của các cụ thật đáng thương.

Cuộc sống của người già ở thành phố tuy có tốt hơn về vật chất, tinh thần nhưng cũng khá đơn điệu.

Tháp dinh dưỡng cho người cao tuổi

Mẹ tôi ngoài tám mươi, đang sống ở vùng nông thôn một tỉnh miền trung, hàng ngày vui vẻ với mức lương hưu bốn triệu, tham gia tập viết thư pháp, dưỡng sinh, chơi bóng hơi, tập văn nghệ… Còn bố mẹ chồng tôi (cũng tuổi đó) không có hoạt động gì ngoài việc ngày nấu ba bữa cơm và xem TV, không thể đi bộ vì chân đau.

Hai cụ thường mong ngóng cuối tuần, cuối tháng và Tết để được gặp con cháu. Bảy ngày chúng tôi chưa kịp sang thăm cha mẹ là cụ bà hờn dỗi…

Nơi tôi sống tuy là một thành phố nhỏ nhưng rất hiếm hoạt động dành cho người già

Dường như mạnh ai nấy sống. Một số cụ có sức khỏe thì đạp xe, đi bộ. Dăm bảy cụ tụ tập ở góc phố đánh cờ.

Vài ba cụ đến nhà nhau uống trà, bình chuyện thời sự, xã hội. Một số ít cụ già góa vợ/chồng đã lâu, có cảm mến, thương quý ai đó cũng không dám để lộ vì sợ thiên hạ chê cười, con cháu phản đối. Có rất ít người cao tuổi tái giá được con cháu vun vén, ủng hộ… Cuộc sống của tuổi già thật tẻ nhạt, như thể sống chỉ để chờ đợi ngày về với ông bà tiên tổ.

Trong một cuộc vui, tôi buột miệng: “Nghỉ hưu, tôi nhất định không đi bế cháu như bao người bà khác”, “Nghỉ hưu mà không đi bế cháu thì bà định làm gì?” – Một anh bạn vặn lại.

“Tôi bận chăm vườn, học đàn, nhảy đầm, du lịch, gặp gỡ bạn bè”.

Chẳng có xã hội nào mặc định ông bà phải bế cháu, nhất là phụ nữ – người bà.

Chưa kịp nghỉ hưu đã có cháu bế bồng. Rảnh chút là ào về chăm cháu, đỡ đần cho gia đình nhỏ của con. Rồi ông chăm cháu nội, bà trông cháu ngoại, coi đứa lớn, ẵm đứa nhỏ. Ngoài bảy mươi vẫn còn cháu để chăm bẵm.

Đến bao giờ người cao tuổi được nghỉ ngơi thực sự? Hôm trước, bên mục “Tâm sự” có bạn đọc U60 than thở về việc hai vợ chồng quá mệt mỏi vì chuẩn bị Tết nhất, bận bịu với bầy cháu khi các con không đỡ đần, không phụ giúp.

Tuổi già sống bám con cái

Tôi muốn hỏi các bậc cha mẹ, chúng ta còn bao bọc con cái đến bao giờ? Đến lúc nhắm mắt xuôi tay? Sao chúng ta không cho con cái cơ hội được trưởng thành, cứ ôm đồm hết trách nhiệm về mình để làm gì?

Ai đó đã nói, sự bao bọc, nuông chiều thái quá cho ra đời những đứa con vô ơn. Vì thế, chăm cháu không phải là nghĩa vụ hiển nhiên của ông bà trong khi bố mẹ chúng ngủ dậy muộn hoặc mải chơi, không có thời gian chăm sóc con.

Có người sẽ nói, giờ mình không bế cháu, lúc mình già con cháu bỏ mặc mình thì sao? Không bế cháu không có nghĩa là không quan tâm, không giúp đỡ con cháu mà giúp đỡ bằng cách khác với mức độ nhất định. Tôi nghĩ, tùy từng điều kiện, hoàn cảnh gia đình mà chúng ta có thể giúp đỡ, hỗ trợ con cháu khác nhau.

Chúng ta chỉ nên chăm sóc con trong vài ba tháng đầu tiên sau khi con sinh hoặc trong thời gian các con chưa tìm được người giúp việc. Tôi không bao giờ bỏ mặc đức ông chồng lọ mọ cơm nước một mình để đi ở với con, để bế cháu. Con của chúng, chúng phải tự lo thu xếp công việc, thay nhau chăm bẵm, tìm người giúp việc.

Ông bà sẽ hỗ trợ con cái về tài chính để thuê người chăm cháu. Tôi nghĩ đó là một kiểu giúp con để vừa làm tròn trách nhiệm của mình, vừa khiến mình thoải mái, vẫn giữ được tỉnh cảm gia đình. Tôi không phải đại gia nhưng đã chuẩn bị tài chính cho việc đó từ vài chục năm nay.

Chị bạn tôi xin nghỉ hưu sớm để đi thủ đô chăm cháu đích tôn. Hai năm sau thì buồn rầu, thương nhớ cháu do vợ chồng con trai ly hôn. Có bà nội chăm sóc con, ông bố trẻ đi làm về là chúi mũi vào chơi game. Bà mẹ trẻ cũng rảnh rang vì con đã có bà nội bế ẵm, cho ăn ngủ, tắm rửa chu đáo. Rồi một ngày chồng phát hiện vợ ngoại tình.

Vợ thừa nhận đã chán anh chồng vô trách nhiệm, chỉ biết chơi game. Thế là tan vỡ một gia đình. Giá như những cặp cha mẹ trẻ cùng chia sẻ trách nhiệm gia đình sau giờ làm việc, chồng bế con khi vợ nấu nướng; vợ cho con ăn lúc chồng tranh thủ rửa bát, giặt giũ…thì có lẽ, vợ chồng đã gắn kết, thương yêu nhau hơn.

Để sống vui vẻ khi đến tuổi cần được nghỉ ngơi, các bà các mẹ cũng nên học cách buông bỏ, đừng can thiệp quá sâu vào cuộc đời con cháu. Chúng ta đã dày công dạy dỗ, giáo dục, cho con làm công việc con yêu thích, sống ở nơi con muốn, kết hôn với người con yêu con chọn thì cũng để cho con tự chăm lo, vun vén cuộc sống của nó.

Thỉnh thoảng ta bố trí thời gian đến thăm con cháu dăm ba ngày. Khi cần chúng gửi con về cho ông bà trông giúp dăm ba tháng. Thế là ổn. Nhiều người bà không yên tâm khi con dâu chăm con của nó nên giành lấy việc chăm cháu, xung đột với con dâu.

nem vong

Tại sao các bà lại thích khổ đến vậy? Mẹ chồng tôi tự làm khổ mình khi cứ tiếp tục gánh vác trách nhiệm làm mẹ, làm bà. Có đủ dâu rể rồi vẫn không buông vai trò nữ tướng, vẫn chỉ đạo mọi thứ, phải làm cỗ bao nhiêu món, phải làm món gì, làm như thế nào.

Chân đau mấy cũng vẫn cố lết xuống bếp chỉ đạo các con lớn bé (tóc đều đã bạc) vì sợ con cháu không làm đúng ý của mình. Nhắc con lớn nhớ rửa thịt thật kỹ. Nhắc con bé chú ý nồi luộc gà kẻo sống kẻo nhừ… Để thảnh thơi, cần buông bỏ, bớt tham sân si…

Ở tuổi năm mươi, tôi vẫn chăm chỉ làm việc vừa sức, luyện tập thể dục, vừa hưởng thụ cuộc sống vừa tiết kiệm. Xuân này không thể đi du lịch, không thể đi chúc Tết khắp nơi thì ở nhà ngắm hoa, thưởng trà, nghe nhạc, quây quần bên gia đình ôn lại những cái Tết nghèo, kể về những tháng ngày tuổi trẻ cặm cụi học tập, làm việc quần quật để có đời sống ổn định như hiện nay.

Và đó là tiền đề quan trọng nhất để sống một tuổi già phong phú, thú vị, không tẻ nhạt, không cô đơn. Tôi cũng cuộc sống tinh thần của người già được thêm phong phú, có nhiều hoạt động hơn nữa dành cho người cao tuổi để họ được thực sự nghỉ ngơi và hạnh phúc.

Nhưng trước hết, những người con đã trưởng thành cần sớm giải phóng cha mẹ già khỏi những gánh nặng làm cha mẹ, ông bà để họ được nhàn nhã, thảnh thơi ở tuổi xế chiều.

Và chính bản thân mỗi chúng ta không chỉ phấn đấu chăm lo tốt cho cuộc sống hiện tại mà còn chuẩn bị cho mình một tuổi già ung dung tự tại, thích ăn thì ăn, thích ngủ thì ngủ, thích chơi thì chơi.

Ai cũng có một thanh xuân để nỗ lực phấn đấu nên ai cũng xứng đáng được nghỉ ngơi thực sự khi sang bên kia con dốc của cuộc đời.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.