Nguyễn Viết Hồng – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

 

Với sáng chế “áo rơm” cùng thành tích phá được hơn 100 quả bom, ông Nguyễn Viết Hồng đã được tặng thưởng 3 Huân chương chiến công; 10 lần nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Ngày 31/12/1973, ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

anh hùng Nguyễn Viết Hồng

Anh hùng LLVT Nguyễn Viết Hồng.

Cuộc đời binh nghiệp của anh hùng Nguyễn Viêt Hồng

Người Anh hùng LLVT Nguyễn Viết Hồng sinh năm 1945, trong một gia đình nông dân nghèo theo đạo Thiên chúa ở thôn Nam Phú, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh. Năm 1967, học xong lớp 7, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ.

Thời gian này, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang ở giai đoạn ác liệt nhất. Với mục đích cắt đứt nguồn chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam, giặc Mỹ điên cuồng trút hàng vạn tấn bom lên các tuyến đường giao thông huyết mạch.

Với tình thế đó, sau khóa huấn luyện, tháng 2/1968, người lính trẻ Nguyễn Viết Hồng được điều về tiểu đoàn 27, lính công binh thuộc Đoàn 559 (Đơn vị chuyên thực hiện nhiệm vụ phá bom mìn, bảo vệ tuyến đường Trường Sơn giáp vùng Hạ Lào và Trung Lào).

Ngày ấy, lính công binh chỉ có dụng cụ rất đơn giản là xẻng gỗ, đòn gánh tre để khiêng bom. Cứ tiếng máy bay quân địch thả bom ở đâu là lính công binh tay xẻng cùng đòn gánh có mặt ngay tại đó.

“Chúng tôi ngày đó ăn ngủ cùng tiếng bom đạn, sự ác liệt chẳng thể diễn tả được. Anh em đồng đội hi sinh nhiều vô kể nhưng ai nấy đều quyết tâm “cứu đường, thông xe” để tiền tuyến được chi viện kịp thời”, ông Hồng cho hay.

Lính công binh nên nhiệm vụ chính là rà phá bom mìn, những người lính như những “cảm tử quân” sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc. Đối mặt với bom mìn hàng ngày nên việc chứng kiến đồng đội hi sinh rất nhiều khiến cho ông luôn đau đớn, nước mắt tiễn biệt đồng đội ngày trước chưa kịp khô ngày sau đã rơi tiếp trở thành vết thương lòng mà người Anh hùng mãi chẳng thể lành lại được.

Từ nỗi đau mất đồng đội, ông luôn trăn trở và nghĩ cách phải làm sao để hạn chế thương vong trong lúc làm nhiệm vụ. Sau đó, ông đã thành công với “sáng chế” áo, mũ rơm.

“Rơm khô được tôi kết lại thành lớp, sau đó bện thành áo và mũ để mặc. Với lớp rơm dày nên đã hạn chế được sát thương từ các mảnh bom, mìn bắn ra’, ông Hồng kể lại.

Những chiếc áo rơm, mũ rơm do ông “thiết kế” đã phát huy tác dụng khi nó bảo vệ được rất nhiều người lính công binh và giảm thiểu thương vong rõ rệt. Sáng kiến này còn đóng vai trò như một liệu pháp tinh thần, giúp các chiến sĩ có thêm chí khí chiến đấu, tự tin, bình tĩnh trước những hiểm nguy.

Với sáng chế “áo rơm” cùng thành tích phá được hơn 100 quả bom, ông Nguyễn Viết Hồng đã được tặng thưởng 3 Huân chương chiến công; 10 lần nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Ngày 31/12/1973, ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Lúc ấy, ông mới 28 tuổi, mang quân hàm Trung sỹ. Sau đó, ông tiếp tục chuyển về mặt trận Khe Sanh (Quảng Trị). Đến năm 1996, Anh hùng Nguyễn Viết Hồng rời quân ngũ với quân hàm thiếu tá trở về quê hương với hình ảnh một người nông dân giản dị nơi xóm đạo yên bình bên cạnh vợ con.

Thật xúc động khi ông chia sẻ rằng, trong cuộc đời binh nghiệp của mình, điều khiến ông thấy tự hào nhất không phải là những chiến công đã đạt được mà chính là khoảng thời gian được sát cánh bên những người đồng đội yêu quý của mình bảo vệ Tổ quốc. Ông tâm niệm, chừng nào trái tim còn đập, ông vẫn còn muốn được cống hiến, cống hiến thay cả phần những đồng đội để xứng đáng với sự hy sinh xương máu của họ.

Còn nhớ trong chuyến công tác về nguồn thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách tại TP Hà Tĩnh tháng 7 vừa qua, cũng trong cuộc trò chuyện cùng Anh hùng LLVT Nguyễn Viết Hồng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã xúc động nói: “Đất nước thực sự may mắn và luôn biết ơn những con người như ông, đầy gan dạ kiên cường trong chiến đấu, chẳng màng đến tuổi xuân, tính mạng của mình để bảo vệ Tổ quốc. Đất nước hòa bình, thế hệ những người đi trước như các anh lại gương mẫu, chăm lo phát triển kinh tế xây dựng cho quê hương giàu đẹp, thực sự rất cao quý”.

Người Bí thư thôn tận tụy luôn sống tốt đời đẹp đạo

Trở về quê hương, với khí chất người lính cụ Hồ, ông luôn giúp đỡ bà con lối xóm, tham gia công tác xã hội như làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Ủy viên BCH Đảng ủy xã, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn và hiện là Bí thư chi bộ thôn Nam Phú.

Được bà con tín nhiệm, bản thân ông luôn luôn mẫu mực, từ việc giáo dục con cái đến các công việc chung của làng xóm ông luôn đi tiên phong. Bên cạnh đó, với chức trách người Bí thư thôn, bản thân ông đã vận động, thuyết phục người dân cùng chung tay xây dựng thôn Nam Phú ngày càng đổi mới. Từ chuyện làm mương thoát bẩn đến đường giao thông nông thôn hay kênh mương nội đồng, xây dựng hội quán… ông đều vận động được bà con đồng thuận, chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

“Ở tuổi này, ngoài niềm vui cùng gia đình và con cháu thì điều làm tôi thấy phấn khởi đó là luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như sự tin tưởng của bà con lối xóm’, người Anh hùng mộc mạc chia sẻ.

Nhận xét về những đóng góp của Bí thư chi bộ Nguyễn Viết Hồng, ông Mai Văn Dy- Chủ tịch UBND xã Thạch Trung cho biết: “Bí thư Hồng có công lớn trong việc vận động bà con chấp hành tốt chủ trương chính sách, xóa đói giảm nghèo và đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở xóm Nam Phú. Không chỉ anh hùng trong chiến đấu, ông ấy còn xứng đáng là người anh cả trong thời bình”.

Chia tay ông, người Anh hùng LLVT Nguyễn Viết Hồng, chúng tôi cảm nhận được ở ông bản lĩnh của một người lính cụ Hồ, lại vừa mang cốt cách nhân văn tỏa ra từ trái tim ấm áp của một con chiên ngoan đạo. Chúc cho ông và gia đình cùng bà con xóm đạo một mùa giáng sinh nữa thật an lành, ấm áp.

Nguồn: Báo Công lý

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.