Chuyện chi tiêu thời bão giá

 

Sau 2 năm dịch bệnh, ngay cả việc mua xăng, mua thực phẩm hằng ngày cũng khiến nhiều người phải lo lắng, cân đong đo đếm chi tiêu thế nào cho hợp lý. Cơn bão giá hàng tiêu dùng đang ảnh hưởng tới mọi mặt cuộc sống của người dân.

chi tiêu thế nào khi giá hàng tiêu dùng tăng

Canh cánh nỗi lo chi tiêu hằng ngày

Sau giờ tan làm, chị Lan Anh (Hoàng Mai, Hà Nội), nhân viên văn phòng một công ty dược tranh thủ đi chợ mua ít rau, ít thịt về nấu cơm tối. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, chị vẫn không biết mua gì cho rẻ.

“Mấy tháng trước tôi mua rau mùng tơi có 7.000 đồng nay đã lên 10.000 đồng/mớ, bắp cải từ 12.000 đồng nay đã 20.000 đồng/kg; trứng cũng từ 20.000 đồng vọt lên 35.000 đồng/chục; thịt, cá, gia cầm, dầu ăn, gia vị… gì cũng tăng một ít,” chị Lan Anh than thở.

Chị Lan Anh cho biết kể từ sau Tết đến giờ giá hàng hóa, thực phẩm, hàng tiêu dùng… liên tục tăng không ngừng nghỉ khiến cả gia đình chị đau đầu trong việc tính toán chi tiêu sao cho hợp lý.

Hai vợ chồng chị tổng thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng nhưng khoản trả góp căn hộ mới mua đã mất gần phân nửa số tiền, số còn lại để chi tiêu ăn uống, sinh hoạt và nuôi con nhỏ.

“Tiền tiêu pha sinh hoạt, ăn uống của cả nhà tiết kiệm hết mức cũng phải 5 triệu/tháng, tăng gấp rưỡi so với hồi trước. Số còn lại để còn nuôi con chứ hai vợ chồng bóp miệng chẳng dám tiêu pha thêm gì,” chị Lan Anh nói.

Còn đối với Anh Nhật, sinh viên năm 2 trường Đại học Phương Đông (Cầu Giấy, Hà Nội), từ khi trở lại trường sau dịch, Nhật chỉ dám thuê căn trọ nhỏ 15m2 trên phố Trần Duy Hưng có giá 1,8 triệu đồng/tháng thay vì căn cũ rộng, đầy đủ tiện nghi hơn giá 2,5 triệu đồng. Em rủ thêm bạn ở cùng, nấu nướng tại nhà để tiết kiệm chi phí.

“Với mức chi tiêu 100.000 đồng, trước em mua được 5 lạng thịt lợn, 1 khúc cá, rau củ quả cho 2 ngày ăn, giờ thì chỉ đủ mua thịt và rau ăn trong ngày thôi, vật giá gì cũng leo thang. Tiền xăng xe quanh quẩn từ nhà đến trường cũng hết 300.000 đồng/tháng,” Nhật chia sẻ.

Ngoài ăn uống, Nhật cũng phải chi các khoản học phí, sinh hoạt, tiền in ấn tài liệu học tập, đi chơi với bạn bè… tổng chi phí hết khoảng 4 triệu đồng/tháng, trong khi gia đình cũng chỉ gửi 4 triệu đồng. Có tháng Nhật đi chơi với bạn bè 1 hôm hết 300.000-500.000 đồng thì những ngày sau phải ăn mỳ tôm thay cơm.

“Thi thoảng bố mẹ em ở quê viện trợ thêm chục trứng, con gà hay yến gạo thì bữa cơm mới tươm tất hơn một tý. Cái gì cũng cần, cũng phải tiêu mà tài chính thì giới hạn, vật giá lại tăng. Sang năm tới lịch học đỡ dày đặc hơn em tính đi làm thêm để trang trải chi phí…” Nhật nói.

Ở một góc vỉa hè đầu phố Lò Đúc (Hai Bà Trưng, Hà Nội), anh Xuân Tùng, một shipper công nghệ, ngồi thẫn thờ chờ khách vì từ sáng đến giờ mới chỉ được vài đơn hàng. Anh Tùng cho biết kể từ khi giá xăng tăng “phi mã,” công việc của anh đã khó khăn nay lại càng trắc trở hơn.

“Ngày nào tôi cũng đổ đầy bình xăng giá 75.000 đồng trong khi thu nhập chỉ 140.000 đồng. Có ngày chạy hết công suất được 250.000 đồng thì tiền xăng cũng chiếm phân nửa, chưa tính tiền hao mòn xe. Giờ cao điểm tôi phải tắt app vì càng chạy càng lỗ,” anh Tùng cho biết.

Muôn vàn kiểu ‘buộc bụng’

Trong bối cảnh giá cả hàng loạt các mặt hàng hóa, hàng tiêu dùng tiếp tục tăng mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì không còn cách nào khác người dân phải tự tìm hướng để xoay sở, giảm chi tiêu.

Để giảm tải chi phí tiêu dùng, hai vợ chồng chị Lan Anh lên kế hoạch thay đổi việc mua đồ ăn sáng có sẵn bằng tự nấu ăn tại nhà. Về việc đi chợ, chị cũng chỉ đi 1 lần/tuần thay vì 3-4 lần như hồi trước.

“Các bữa đầu tuần thì tập trung ăn rau xanh còn ăn củ, quả, thịt vào các ngày giữa và cuối tuần nên vẫn đảm bảo dinh dưỡng, theo tính toán của tôi thì tiết kiệm được khoảng 20% tiền đi chợ,” chị Lan Anh cho hay.

Bên cạnh đó, chị Lan Anh tham gia vào các hội nhóm chị em nội trợ để săn mã giảm giá, rủ nhau gom đơn mua hàng xỉ, hàng cận date ở siêu thị, đi chợ đầu mối để có giá tốt hơn. Chị cũng dự định cắt giảm các chi phí không cần thiết như không uống càphê quán xá mà mua về tự pha, dùng quạt thay máy lạnh để giảm tiền điện…

Còn đối với Huy, bạn cùng phòng với Nhật, cho biết cả hai đang dự tính cắt bớt tiền đi chợ đi khoảng 20.000 đồng để bù vào các chi phí khác. “Thay vì mua 5 lạng thịt thì giờ em chỉ mua hai, kèm thêm hai miếng đậu phụ kho kèm, trước ăn cá thì giờ chuyển sang ăn trứng… đi chợ cứ gì rẻ thì mua,” Huy nói.

Ngoài ra, Huy với Nhật cũng tăng cường thanh toán online, mua sắm bằng ví điện tử để nhận được nhiều ưu đãi. Đơn cử trong tháng này, Huy được ví điện tử Momo tặng một thức uống miễn phí, thẻ 25.000 đồng khi mua sản phẩm tại siêu thị và cửa hàng tiện lợi, giảm 10.000 đồng khi nạp điện thoại.

Không thể chờ đợi sự thay đổi một sớm một chiều, anh shipper Xuân Tùng đang tính tìm một công việc khác ở tuổi 31. Anh cho biết khi dịch bệnh xảy ra quá lâu rồi giá xăng tăng như phi mã, nhiều tài xế công ty cũng đã nghỉ việc.

“Giá xăng tăng hay giảm, chúng ta không thể làm được gì ngoài cách thích nghi. Tôi đang còn trẻ, lại có đam mê về ẩm thực, sắp tới tôi cũng định học thêm một khóa nấu ăn rồi xin vào làm đầu bếp tại một nhà hàng nào đó,” anh Tùng cho hay.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.

Exit mobile version